Đền thờ Nguyễn_Bặc

Thống kê của tỉnh Hà Nam Ninh cũ cho biết có tới 134 nơi thờ và phối thờ hai vị công thần Nguyễn Bặc, Đinh Điền. Đền vua Đinh ở cố đô Hoa Lư; ở xã Gia Phương; ở Ba Dân (Kim Bảng); đền vua Đinh ở Ý Yên; đền Tứ Trụ ở Tràng An… nơi nào cũng thờ Đinh Điền, Nguyễn Bặc, Các lễ hội như cờ lau tập trận, hội đền vua Đinh… đều diễn hình ảnh vua Đinh, Đinh Điền, Nguyễn Bặc, xem như những người hùng tiêu biểu cho tinh thần thượng võ dân tộc. Nhiều nơi thờ các vị thần khác mà vẫn lưu lại sự tích, có khi thờ cả Đinh Điền, Nguyễn Bặc gắn bó với nhau, được dân địa phương sùng kính (như các đền miếu ở huyện Yên Khánh, Ninh Bình, chùa Long Hoa ở xã Liêm Cần, huyện Thanh Liêm, tỉnh Hà Nam, đền chùa ở bến Vạc Ninh Bình, đình Động Phi ở huyện Ứng Hòa Hà Nội…). Chứng tỏ, hai vị sống thân thiết, chết lại không xa rời, trở thành hình ảnh tâm linh hòa hợp giữa lòng ngưỡng mộ của nhân dân.[7]

Lăng Nguyễn Bặc táng ở thôn Vĩnh Ninh, làng Đại Hữu (Gia Viễn, Ninh Bình). Lăng được trùng tu lần mới nhất vào năm Kỷ Tỵ (1989). Về đền thờ, ông được thờ ở nhiều nơi thuộc Ninh Bình, Hà Nội, Thái Bình, Nam Định:

  • Từ đường Nguyễn Tộc tại thôn Vĩnh Ninh (Gia Viễn, Ninh Bình) là nơi thờ Nguyễn Bặc và được xem là nơi khởi thủy dòng họ Nguyễn.
  • Đình Áng Ngũ, đình Ngô Khê Hạ, đình Ngô Khê Thượng, đình Thanh Khê Hạ, đình Thanh Khê Thượng thuộc xã Ninh Hòa, huyện Hoa Lư nằm sát kinh đô Hoa Lư thờ Nguyễn Bặc với thần tích cho biết ông từng trấn giữ ở đây.[8] Năm Canh thân (1980) chi họ Nguyễn Đình tước tượng ngài về thờ ở từ đường của chi họ (cùng thôn Ngô Hạ).
  • Đền Nột Lấm xã Ninh Xuân thờ "Đinh triều tả giám sát hay "Hành Khiển Quang Lộc đại vương" dịch ra là Nguyễn Bặc
  • Đền Hiềm ở phường Phúc Thành, Ninh Bình là nơi thờ ông với thần tích ghi lại những hiềm khích với Lê Hoàn.
  • Di tích chùa Đẩu Long, phường Tân Thành, thành phố Ninh Bình, Ninh Bình cùng 6 vị thần khác.
  • Tại miếu Đông Thương xã Khánh An huyện Yên Khánh, tỉnh Ninh Bình, ông được phối thờ cùng Đinh Điền.
  • Đình Ba Dân ở làng Cổ Điển thuộc xã Tứ Hiệp, huyện Thanh Trì, Hà Nội là đình chung của 3 làng: Cương Ngô, Cổ Diễn, Đồng Trì thờ chung các ông Nguyễn Bặc, Nguyễn Bồ và Nguyễn Phục.
  • Đình làng Văn Điển thuộc xã Tứ Hiệp, huyện Thanh Trì, Hà Nội
  • Đình Mai Nội, xã Mai Đình, Sóc Sơn, Hà Nội là nơi thờ Nguyễn Bặc với biệt danh Quang Minh
  • Đền thờ Định Quốc Công Nguyễn Bặc tại làng Phú Cốc, xã Thanh Lợi, huyện Vụ Bản, tỉnh Nam Định
  • Miếu Lịch Đại Đế vương tại kinh thành Phú Xuân (Huế) vua Minh Mạng cho xây để thờ các vị vua và các danh tướng qua các triều đại trong đó có Nguyễn Bặc.
  • Đền thờ vua Đinh Tiên Hoàng ở xã Trường Yên (Hoa Lư, Ninh Bình) dựng từ thế kỷ XI. Đến có 3 tòa: tòa ngoài là bái đường, tòa giữa gọi là Thiên Hương thờ tứ trụ triều đình của nhà Đinh: Đinh Điền, Nguyễn Bặc, Trịnh Tú, Lưu Cơ. Toà trong cùng là chính cung thờ Đinh Tiên Hoàng, Đinh Liễn, Đinh Toàn và Đinh Hạng Lang.
  • Đền thờ Đinh Bộ Lĩnh thôn Vân Hà, làng Đại Hữu (Gia Viễn, Ninh Bình) thờ 3 vị anh hùng đào viên kết nghĩa là Đinh Bộ Lĩnh, Nguyễn Bặc và Đinh Điền.
  • Hiện tại trung tâm thành phố Ninh Bình đang xây dựng khu Quảng trường - tượng đài Đinh Tiên Hoàng đế với 4 góc có tượng 4 vị quan đại thần Đinh Điền, Nguyễn Bặc, Trịnh Tú, Lưu Cơ cao 5m, có lính canh và ngựa bằng đá[9].